Một giáo sư máy tính ở Trung Quốc đã sử dụng AI để thu thập những dòng tin rời rạc của mọi người để phát hiện ra ai định tự tử. Sau đó, ông sắp xếp tình nguyện viên can thiệp trợ giúp.
Đây là câu chuyện thứ 472 trong các câu chuyện thực tế được ghi lại trong năm 2018 và 2019 tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán...
Khoảng 22h đến 2h sáng là thời gian cao điểm sử dụng điện thoại ở Trung Quốc và cũng là lúc tinh thần con người trong giai đoạn yếu đuối nhất. Lượng post trên Weibo cũng bắt đầu dày đặc. "Không thể tiếp tục làm thêm nữa, tôi chuẩn bị nhảy lầu đây..."; "Có đốt than gây ngạt không, chúng ta cùng làm..."; "Tôi thực sự muốn ra đi, chỉ có một điều lo sợ duy nhất là cha mẹ sẽ đau lòng"...
Những người muốn tự sát sẽ đăng những dòng trạng thái trên để phát đi lời bộc bạch cuối cùng với thế giới, đó cũng như là lời kêu cứu cuối cùng của họ. Mỗi dòng đều khiến người đọc bàng hoàng.
22h một ngày tháng 5/2019 tại Bắc Kinh, AI số hiệu 004 tự động đưa báo cáo tìm kiếm trên Weibo lên nhóm tình nguyện viên. Trưởng nhóm Hoàng Trí Sinh lọc ra mười trường hợp cần được trợ giúp. Các tình nguyện viên sau đó bắt đầu công việc. Họ dùng tài khoản Weibo của mình để kết bạn và nhắn tin riêng cho người có ý định tự sát.
Bành Bành là một trong 222 tình nguyện viên của nhóm này, cô đã tham gia hơn 30 lần trợ giúp. Kỷ niệm khó quên nhất là một ngày hè năm 2018. Tối đó, AI phát đi cảnh báo cao độ khi phát hiện một nam thanh niên viết: "Đang ở khách sạn, chuẩn bị đốt than tự sát".
Một nhóm tình nguyện viên nhắn tin riêng cho đối phương nhưng không nhận được hồi âm, Bành Bành gọi tên người con trai và thẳng thắn ngăn cản: "Xin anh hãy dừng ngay lại!". Người con trai ngờ vực: "Cô là ai?" Sau này Bành Bành mới biết, vì đặc thù công việc, người thanh niên rất coi trọng bảo mật thông tin cá nhân. Việc Bành Bành tìm ra anh ta đã đánh thức sự nhạy cảm nghề nghiệp trong anh.
Bành Bành trả lời: "Tôi và anh thực ra không hề quen nhau, tôi cũng không phải ăn không ngồi rồi nên đi kiếm chuyện. Bất luận là do trầm cảm, do thiên tai hay do nhân hoạ, ngoài lựa chọn tự sát, anh còn có nhiều lựa chọn khác." Rồi cô tiếp tục hỏi người thanh niên đang ở đâu, tại sao lại làm việc này. Người thanh niên kể: "Bạn bè muốn đầu tư, mình vay vài trăm nghìn Nhân Dân Tệ cùng hùn vốn, rồi thua lỗ. Kỳ đáo hạn sắp đến, chủ nợ tìm mọi cách để gây áp lực". Bành Bành hỏi: "Những việc thế này xảy ra mỗi ngày, cứ xảy ra là đi tự sát thì nhà tang lễ chắc chẳng khi nào rảnh tay". Người con trai nói bản thân sống không còn ý nghĩa. Công việc của anh yêu cầu độ tín nhiệm cao, một khi bị tố cáo rất có thể bị vào danh sách đen của cả ngành. Anh không dám đi làm cũng không dám đối mặt với người thân và bạn bè, cũng không dám về nhà.
Nghe đến gia đình, Bành Bành lập tức xen vào: "Anh có quan tâm đến bố mẹ không?" - "Sợ họ không chịu nổi...", bên kia đáp.
Bành Bành tiếp tục hỏi dồn: "Anh có từng nghĩ, điều mà họ thực sự không thể chịu được là gì không? Là người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh..."
Một lúc lâu sau không có ai trả lời. Bành Bành đoán đối phương đang bắt đầu do dự. Việc can thiệp hỗ trợ ban đầu đến đây coi như thành công.
Nguyên nhân thực sự dẫn đến tự sát là người muốn tự sát phải đối mặt với khó khăn trước mắt. Bành Bành bắt đầu cùng người thanh niên phân tích cách giải quyết, sau một hồi, anh ta nói nhà mình có một căn hộ, nhưng quyền sở hữu thuộc về cha mẹ. Bành Bành phân tích, có lẽ có thể dùng nó để giải quyết món nợ trước mắt, sau đó tiếp tục nghĩ cách. Tinh thần người con trai bắt đầu ổn định, nói không muốn tự sát nữa. Bành Bành thở phào. Từ lúc liên lạc được đến hỗ trợ thành công mất hơn một tiếng đồng hồ.
Theo truyền thuyết của Trung Quốc, khi bạn thổ lộ tâm sự vào cái hốc trên một cái cây đại thụ rồi lấy đất lấp nó lại, bí mật của bạn sẽ được cất giữ mãi mãi. Hốc cây tượng trưng cho nơi bạn có thể nói ra các bí mật của mình. Trên mạng xã hội, những trang Weibo của người muốn tự sát cũng giống như những hốc cây như vậy, có những trang số lượng tin đăng có liên quan đến tâm trạng bất ổn hoặc có ý định tự sát lên đến 150.000 tin.
Hoàng Trí Sinh, một giáo sư khoa Trí thông minh nhân tạo thuộc đại học Vrije Universiteit tại Amsterdam, Hà Lan, là nhân vật chủ chốt khởi động dự án hỗ trợ người có ý định tự sát trên mạng xã hội thông qua AI.
Cảm hứng bắt nguồn từ một sự việc ngày 2/4/2018. Hoàng Trí Sinh đọc được một báo cáo có liên quan đến các mạng xã hội trong nước. Dự án đó sử dụng AI để tìm kiếm trên Weibo những người có ý đồ tự sát, sau đó tự động gửi đi những dòng tin đã được lập trình, kèm theo đường dây nóng tư vấn tâm lý và một bảng điều tra để can thiệp hỗ trợ tâm lý. Vì là hệ thống tự động nên không cách nào tìm hiểu được hoàn cảnh hiện tại của đối tượng. Dự án của giáo sư Hoàng khác ở chỗ, ông thiết kế AI tìm kiếm thông tin của người muốn tự sát rồi chuyển cho người thật trực tiếp tham gia hỗ trợ tâm lý.
Ngày 25/7/2018, AI phân tích thông tin trên Weibo thế hệ đầu tiên số hiệu 001 đưa vào sử dụng, thiết lập kho từ chủ chốt có liên quan đến "tự sát", "tử vong", 001 nhanh chóng tìm ra 10 dòng tin tự sát trên Weibo confession. Hoàng Trí Sinh thêm vào kho dữ liệu của AI số liệu về thời gian, địa điểm, giới tính, các phương thức tự sát... để AI tự động quy loại 10 cấp độ nguy hiểm. Cấp độ càng cao, nguy cơ tự sát càng lớn.
Căn cứ vào số liệu, cấp 6 là ranh giới từ "trạng thái trầm cảm" chuyển sang "lên kế hoạch tự sát", thể hiện bản thân muốn chết, muốn tự sát. Cấp 7 đến 10, nguy cơ tự sát cực cao.
Ba mươi thanh niên từng được Bành Bành cứu đều ở cấp 9.
Theo thống kê, trong gần một năm nhóm tình nguyện được thành lập, đã can thiệp 1.172 việc, ngăn chặn thành công 507 vụ tự sát.
Thanh Lam
(theo
Sina
)
Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2019
AI phát hiện người có ý định tự tử
tháng 7 19, 2019